Công an: Thay đổi hạng bằng lái để tương thích với thế giới

Giấy phép hạng A1 đề xuất cấp cho người lái xe máy 125 cc, gộp B1 và B2 của bằng lái ôtô thành B để tương thích với 84 nước tham gia Công ước Viên năm 1968, Cục CSGT giải thích.

Sáng 17/5, trả lời VnExpress, thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT Bộ Công an, cho biết hệ thống giấy phép lái xe quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008 có nhiều điểm không tương thích với phân hạng của Công ước Viên năm 1968 và nhiều quốc gia trên thế giới.

Cụ thể, nhiều phân hạng bằng lái xe máy và ôtô của Việt Nam không phù hợp về dung tích xi lanh, số chỗ ngồi, khối lượng phương tiện. Việt Nam cũng chưa phân hạng với xe điện, ôtô mini buýt, xe tải cỡ nhỏ. Tên gọi các hạng bằng lái cũng chưa phù hợp với chuẩn thế giới.

Vì vậy, tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất thay đổi hàng loạt hạng giấy phép lái xe, nhằm tương thích với Công ước Viên 1968 và thế giới. “Đây là tất yếu”, bà Minh cho hay.

Với giấy phép lái xe máy, Bộ Công an đề xuất hạng A1 cấp cho người lái xe máy phân khối đến 125 cc hoặc công suất động cơ điện đến 11 kw. Hạng A dành cho xe có phân khối lớn hơn A1. Đây là điểm mới bởi Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định giấy phép lái môtô gồm các hạng A1, A2, A3. Trong đó, A1 cấp cho người lái xe 50-175 cc; A2 từ 175 cc.

Theo thượng tá Minh, việc phân hạng giấy phép lái xe môtô Việt Nam với ngưỡng 175 cc như quy định hiện hành là không tương thích với thế giới, bởi các nước chỉ đến 125 cc. Điều này khiến việc đổi giấy phép lái xe Việt Nam sang quốc tế hoặc người nước ngoài đổi giấy phép lái xe để tham gia giao thông ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

“Thay đổi phân hạng giấy phép lái xe cũng là nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia các công ước quốc tế, tạo thuận lợi khi ký kết các hiệp định song phương, đa phương về công nhận giấy phép lái xe của nhau với nhiều nước”, bà Minh cho hay.

Bà giải thích số lượng xe máy tại Việt Nam nhiều nhưng xe phân khối lớn không nhiều. Vì vậy, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ chỉ đề xuất phân hạng A1 và A với bằng lái môtô. Khi hạ tầng giao thông phát triển, có thêm nhiều phương tiện mô tô mới, nhà chức trách sẽ đề nghị bổ sung cho phù hợp.

Với giấy phép lái ôtô, Bộ Công an đề xuất giấy phép hạng B có thời hạn 10 năm, dành cho người lái xe đến 8 chỗ (không kể chỗ lái xe); ôtô tải và chuyên dùng đến 3,5 tấn.

Luật hiện hành quy định hạng B1 cấp cho tài xế lái ôtô đến 9 chỗ không hành nghề lái xe và B2 dành cho người hành nghề lái xe. Tại dự thảo mới, Bộ Công an gộp hai hạng B1 và B2 thành hạng B.

“Đề xuất gộp giấy phép lái xe hạng B1 và B2 thành hạng B để phù hợp với quy định của Công ước Viên năm 1968”, thượng tá Minh giải thích.

Theo thông lệ quốc tế, phân hạng giấy phép lái ôtô căn cứ vào số chỗ ngồi và khối lượng toàn bộ xe. Nội dung về hoạt động kinh doanh vận tải (tức lái xe chuyên nghiệp) “không phải là căn cứ phân hạng bằng lái”.

Với những người đã được cấp giấy phép lái ôtô hạng B1 và B2 theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 mà vẫn còn hiệu lực thì được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên giấy phép lái xe. Việc thay đổi phân hạng mới chỉ áp dụng với trường hợp cấp mới, cấp đổi, cấp lại.

Sau khi gộp bằng lái B1 và B2 thành hạng B, việc quản lý các lái xe chuyên nghiệp sẽ được thông qua công tác quản lý nhà nước về vận tải đường bộ. Cơ quan quản lý sẽ bổ sung nội dung liên quan đến đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe với người lái ôtô chuyên nghiệp thông qua văn bản dưới luật.

Đề xuất thay đổi phân hạng giấy phép lái xe trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ còn tạo đồng bộ phát triển sản xuất, lắp ráp, xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện giao thông. Dự thảo cũng tạo điều kiện cho người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại nước ngoài và người nước ngoài cư trú, học tập, làm việc, du lịch tại Việt Nam muốn điều khiển phương tiện giao thông mà không cần cấp đổi, đào tạo, sát hạch, cấp mới giấy phép lái xe.

Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, các hạng giấy phép lái xe trong dự thảo mới tương thích với 84 quốc gia thành viên tham gia Công ước Viên 1968 cũng như các nước ASEAN.

“Việc thay đổi này cũng phù hợp với xu hướng phát triển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, rất cần thiết thực hiện sớm”, thượng tá Minh nói.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *